Thiếu những tác phẩm chạm tới các góc khuất của tuổi “nổi loạn”, thiếu những tác phẩm giả tưởng, những cây bút giả tưởng; thiếu sự nhìn nhận, quan tâm đúng mực về truyện tranh… Đó là chia sẻ của nhà văn Trần Đức Tiến, một cây bút thân thuộc của các độc giả nhỏ tuổi.
- Viết cho trẻ em không hề dễ dàng, ông nghĩ sao về điều này?
- Tôi vẫn quan niệm tác phẩm viết cho thiếu nhi, đặc tính quan trọng là kích thích trí tưởng tượng và hài hước. Nếu lớp nhà văn trước kia chú trọng tới việc giáo dục tư tưởng, tới vẻ đẹp của ngôn ngữ thì lớp người viết trẻ sau này đã chú tâm nhiều hơn tới tính giải trí. Tác phẩm của họ thấy rõ sự hồn nhiên, tươi tắn trong câu văn, trong diễn đạt và trong cả nội dung. Tất nhiên trong truyện, họ cũng không bỏ qua nội dung tư tưởng, có điều nó được chuyển tải theo một cách dễ tiếp cận hơn với lớp trẻ.
Khi viết một câu chuyện cho bạn đọc nhí, được nhìn thấy chúng đọc một cách say sưa, thích thú là vui rồi. Những điều nhân văn sẽ đọng lại trong tâm hồn các em thật tự nhiên.
- Bên cạnh sự hồn nhiên, tươi tắn, chọn đề tài cho thiếu nhi không đơn giản. Phải chăng đang có sự chênh lệch trong các mảng sách viết cho thiếu nhi?
- Trong các mảng đề tài viết cho thiếu nhi, tôi thấy hiện thiếu nhất là mảng truyện giả tưởng. Quan sát tại Nhà xuất bản Kim Đồng, một đơn vị xuất bản lớn cho độc giả nhỏ tuổi, thì truyện sinh hoạt - chuyện có thật hàng ngày chiếm tỷ lệ lớn. Tất nhiên đề tài này cũng hay, nhưng tính kích thích trí tưởng tượng cho trẻ em không nhiều. Cá nhân tôi, một người viết cho thiếu nhi, tôi không thích kiểu viết thực tế này mà ít nhất cũng phải đồng thoại, nhân cách hóa đồ vật, con vật…
- Sự thiếu hụt này phải chăng là do các nhà văn mới chỉ dừng lại ở việc viết những điều họ muốn viết chứ không phải viết cái mà trẻ em cần và muốn đọc?
- Cũng không hẳn như vậy. Như tôi chẳng hạn, tôi thường khai thác về những cái mình đã trải nghiệm, đã sống qua, kể cả những ký ức về thời trẻ. Có thể các nhà văn khác cũng thế, họ không phải trải qua tuổi thơ gặp nhiều bi kịch, trắc trở… Vì vậy, viết về những điều đó có thể lại thành giả.
Có lẽ vì vậy, họ ít viết về điều đó chứ không hẳn là họ không biết. Ngày xưa, đời sống của trẻ em thế hệ chúng tôi không phức tạp như các bạn trẻ bây giờ, phải đối mặt với nhiều áp lực từ học hành đến những tác động khác ngoài xã hội. Vấn nạn trẻ em tự tử chứng tỏ các bạn nhỏ phải đối mặt với tiêu cực nhiều hơn thế hệ trước.
- Ông có nhận xét gì về hiện tượng các bạn nhỏ cùng ông bà, bố mẹ xếp hàng dài từ tờ mờ sáng tại các điểm phát hành truyện tranh trong thời gian qua?
- Đọc truyện tranh là nhu cầu rất chính đáng của trẻ em. Một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước phương Tây, truyện tranh khá phát triển, thậm chí cả người lớn cũng thích truyện tranh chứ không chỉ trẻ em.
Tôi đi qua một số nước như Thụy Điển, Đan Mạch, tiếp xúc với một số nhà văn bên đó, dự các hội thảo về văn học thiếu nhi quốc tế thì dễ nhận thấy các nhà văn nước ngoài rất coi trọng tranh vẽ. Mỗi ấn phẩm dành cho thiếu nhi dứt khoát phải là sự kết hợp giữa nhà văn và họa sĩ. Sách hay nhưng phải in ấn, trình bày đẹp thì trẻ em mới thích, mới đọc.
Tại một số nhà xuất bản, khi nhà văn đăng ký đề tài, họ luôn luôn yêu cầu đề cử một họa sĩ làm cùng. Khi viết tác phẩm, nhà văn làm việc chung với họa sĩ chứ không phải xong bản thảo gửi tới nhà xuất bản rồi nhà xuất bản mới tìm họa sĩ minh họa. Họa sĩ và nhà văn song hành để làm ra một ấn phẩm. Phải coi họa sĩ là người đồng sáng tạo với nhà văn chứ không phải người ăn theo.
- Đã có thời gian dài, người lớn quan niệm truyện tranh là truyện nhố nhăng, làm hỏng văn phong, cảm xúc của trẻ. Lúc này có cần giải oan cho truyện tranh?
- Thực tế cũng có truyện nhố nhăng thật, nhất là sản phẩm được làm ra bởi các nhà xuất bản chạy theo lợi nhuận. Cũng chính những tác phẩm đó gây oan cho truyện tranh. Song, nếu làm truyện tranh nghiêm túc thì đem lại hiệu quả hoàn toàn khác.
Có thể thấy, khi truyện Doraemon về Việt Nam, lúc ấy các bạn nhỏ đã xếp hàng dài đợi mua sách mỗi lần tới kỳ xuất bản. Sau đó, nhiều bộ truyện tranh thiếu nhi khác cũng được các bạn nhỏ đón nhận, và gần đây nhất là việc xuất bản bộ Chú thuật hồi chiến lại “gây sốt”. Truyện tranh cũng góp phần nuôi dưỡng, bồi dưỡng tâm hồn tình cảm của các em. Vậy, tại sao lại quay lưng với thể loại ấy?
Có người nói rằng truyện tranh với ngôn ngữ thoại nhiều sẽ làm ảnh hưởng tới việc phát triển ngôn ngữ, văn phong của trẻ. Nhưng, như tôi đã chia sẻ, chỉ có những cuốn truyện tranh chất lượng kém thì mới như vậy. Chúng ta đừng thành kiến với truyện tranh. Thực tế, có những cuốn truyện từ đầu đến cuối chỉ vài chục chữ, còn lại toàn tranh nhưng rất hay, thú vị, kích thích trí tưởng tượng của trẻ em.
“Trước đây, trong nước cũng từng xuất hiện một số cuốn truyện tranh được các bạn trẻ tương đối thích như Tí Quậy, Thần Đồng Đất Việt…, nhưng sau đó hình như chưa có tác phẩm nào thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ. Tôi vẫn luôn mong có tác giả nào đó cùng với họa sĩ làm được những quyển truyện tranh tốt”.
0 Nhận xét