"Tiếng sóng bủa ghềnh" tái hiện chân thực cuộc đời của nhà cách mạng, nhà báo Ngô Thị Huệ (phu nhân Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, nữ đại biểu Quốc hội khóa I) với những dấu ấn hoạt động song hành cùng lịch sử Nam Bộ và dân tộc.
Khởi nghĩa Nam Kỳ trong hồi ức của bà Ngô Thị Huệ
Đêm 24 rạng 25/11, chúng tôi đi đánh chiếm trụ sở chánh Hội, thu được hai súng lửa. Sau đó, cứ đêm đêm đi hoạt động, ban ngày rút sâu vào Rừng Dơi khiến cho địch rất hoang mang, tề lính trốn chui trốn lủi.
Thực hiện kế hoạch được phân công, đồng chí Nguyễn Phương chỉ đạo lực lượng khởi nghĩa địa phương đánh chiếm nhà việc quận Tam Bình và thiêu hủy hồ sơ giấy tờ. Đồng chí Hiếu Tự kéo đội du kích xuống đánh chiếm nhà việc Cái Ngang, chiếm giữ được ba ngày [...]
Sau ba ngày chiếm Cái Ngang, qua ngày thứ tư địch cho ca nô chở lính tràn xuống Cái Ngang, du kích ta dùng dây thép ngăn ngầm dưới sông, làm ca nô bị ngáng chân vịt cứ quay vòng vòng không chạy được. Trên bờ du kích bắn xuống, bà con hô đả đảo, bọn địch phải ra sức chặt đứt dây tháo chạy về thị xã Vĩnh Long, chưa biết lực lượng ta mạnh yếu thế nào.
Ba ngày sau, địch đem tàu lớn, chở lính lê dương xuống khủng bố, đàn áp khốc liệt nhân dân và lực lượng nghĩa quân. Chúng đốt chợ, đốt nhà, bắt người, đánh đập nhân dân, chiếm lại đồn bót và đóng quân trở lại vùng này.
Tại Vũng Liêm, đồng chí Hồng (Hà Thị Lan) chỉ đạo ba cánh quân tập trung đánh chiếm được dinh quận, làm chủ năm giờ liền, bắt được tên Quận Hải, nhưng do sơ suất để hắn trốn thoát. Ta phá khám thả tù nhân và đốt sổ sách, giấy tờ trong dinh quận. Lực lượng khởi nghĩa còn đánh vào Giồng Ké, chặn xe tiếp viện của địch từ Trà Vinh lên, tên tỉnh trưởng Trà Vinh bị thương, được máy bay đưa lên Sài Gòn chữa trị. Trong trận này ta hy sinh một đồng chí.
Bất chấp địch điên cuồng chống trả, quần chúng vẫn một lòng một dạ với Đảng, nêu nhiều tấm gương rất cảm động, như anh chị Chín Hóa ở rạch Cây Trôm tận tình nuôi dưỡng che chở anh em du kích, cả đồng chí Quản Trọng Hoàng; như chị Đặng Thị Nhiên vợ đồng chí Phan Văn Sỹ, tuy có con mọn vừa giữ con vừa giã gạo, nấu cơm đem vào Rừng Dơi tiếp tế cho nghĩa quân. Nhà chị bị giặc đốt, cha chị bị đày đi Bà Rá, chồng chị bị giặc bắt đi đày và hy sinh ở Côn Đảo. Cả hai người em của đồng chí Sỹ là Học và Kinh cũng đã làm mồi cho cá mập hoặc vùi xác trong lòng đất nghĩa trang Hàng Dương.
Nhắc tới sự hy sinh quá lớn của đồng bào đồng chí tham gia khởi nghĩa, tôi không khỏi nhớ về đảo Hòn Khoai tỉnh Bạc Liêu. Theo lời kể của chị Quýt, chị Ký - nghĩa sĩ Hòn Khoai - tại khám Phú Mỹ, tuy chậm hơn các tỉnh trong đất liền cả chục ngày, đảo Hòn Khoai do đồng chí Phan Ngọc Hiển lãnh đạo đã phối hợp cùng đồng chí Bông Văn Dĩa thổi bùng lên ngọn lửa khởi nghĩa tiến hành nhanh gọn, bắt xử tội tên chúa đảo Olivier, thu nhiều vũ khí và chiếm đảo nhiều giờ liền, giành thắng lợi trọn vẹn.
Khi giặc Pháp phản công, đàn áp dữ dội, chúng bắt được đồng chí Ngọc Hiển, và ngày 12/7/1941 chúng đưa 10 nghĩa sĩ Hòn Khoai ra xử tại Cà Mau. Với thái độ hiên ngang, lẫm liệt, đồng chí Ngọc Hiển đã giật phăng mảnh vải bịt mắt, ngẩng cao đầu dõng dạc hô to:
- Đả đảo đế quốc Pháp!
- Đảng cộng sản muôn năm!
Vợ chồng nhà cách mạng Nguyễn Văn Linh và Ngô Thị Huệ năm 1952. Ảnh: Tư liệu. |
Bảy mươi năm đã trôi qua, nhưng khí thế sục sôi của những ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn sáng chói trong lòng tôi và nhiều đồng chí từng chen vai sát cánh với đồng bào trong khởi nghĩa. Cuộc khủng bố trắng khắp Nam Kỳ, những trận càn quét, đàn áp khốc liệt, những cảnh tang thương sau các cuộc ném bom hủy diệt của giặc làm thiệt mạng biết bao đồng bào chiến sĩ cách mạng; hàng trăm đồng chí ta bị xử tử hình, hàng nghìn người khác bị đày ra Côn Đảo, thân thể vùi sâu ở nghĩa trang Hàng Dương.
Tội ác này dân ta khắc cốt ghi xương... Đời đời trong tâm khảm mỗi chiến sĩ Khởi nghĩa Nam Kỳ in đậm tên người, tên đất làm rạng ngời trang sử vàng của Đảng, của dân tộc như Ngã Ba Giồng (Hóc Môn), Vĩnh Kim (Mỹ Tho), rạch Cây Trôm, gò Ân Nước Xoáy, Vũng Liêm (Vĩnh Long), Cà Mau, Hòn Khoai (Bạc Liêu)...
Hơn một tháng sau ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, ngày 30/12/1940, tôi nhận được giấy triệu tập của Xứ ủy họp bàn kế hoạch khởi nghĩa lần thứ hai. Do tình hình còn căng, đồng chí Quản Trọng Hoàng, Bí thư Liên tỉnh ủy Hậu Giang không thể đi được. Từ Vĩnh Long tôi sang trà Vinh gặp đồng chí Dương Công Nữ (đại diện Xứ ủy), tôi cũng gặp đồng chí Phan Văn Bảy, Xứ ủy viên; đồng chí Hai Trà tức Hai Ho đại diện cho Tỉnh ủy Trà Vinh, tôi đại diện cho tỉnh ủy Vĩnh Long.
Vì chưa tới ngày họp chính thức, tôi tranh thủ quay trở lại để báo cáo nội dung cuộc họp ở trà Vinh cho đồng chí Hoàng biết. Để tránh địch theo dõi tôi đi lại bằng đường sông và có chặng đi bộ.
Đêm đó trời tối như mực. Dòng sông Măng Thít chảy xiết, tôi chèo xuồng năm lá ngược dòng, bị nước cản, xuồng nhích lên rất khó khăn, đuối quá tôi muốn tấp xuồng vào rặng bần để chờ nước xuôi dòng. Nhưng lòng xốn xang nghĩ đến những tổn thất lớn trong cuộc khởi nghĩa, bao đồng bào đồng chí ta hy sinh, bao nhiêu anh em bè bạn bị bắt.
Chèo xuồng dọc bờ sông, nhìn lên các lùm cây bần nối dài, từng bầy từng bầy đom đóm lập lòe chớp tắt, cảnh vật quen thuộc này sao đêm nay tôi như hờ hững, vì trong lòng đang ngổn ngang lo lắng, tình hình khởi nghĩa đã bị địch điên cuồng đàn áp. Xuồng đi ngược dòng, tay chân như muốn rã rời, nhưng nghĩ đến trách nhiệm, chí khí đảng viên tôi như có thêm sức đẩy mạnh mái chèo đưa xuồng có trớn lướt tới.
Vào khoảng hai, ba giờ sáng, tôi về đến Long Hồ, đâm mũi xuồng ghé vào tạm nghỉ ở nhà anh Châu Ký. Anh mừng lắm, báo cho biết tình hình các nơi, nhất là đội du kích vẫn bám Rừng Dơi tiếp tục chiến đấu, bọn hội tề không dám đụng tới. Trời sắp sáng rồi, tưởng như kiệt sức mà lòng cứ thấp thỏm không sao nhắm mắt được.
Chợt nghe ở phía xa có tiếng súng nổ dồn dập, tôi đinh ninh đó là miệt rạch Cây Trôm, nơi có nhiều cơ sở chí cốt từng nuôi dưỡng, che giấu cán bộ đi lại hoạt động. Tôi bồn chồn lo lắng...
Như linh tính báo trước, đúng sáng hôm đó giặc xua lính lê dương vào càn quét rạch Cây Trôm, chúng bắt giữ một số người của ta, lục xét nhà đồng chí Chín Hóa, nơi lực lượng khởi nghĩa làm trụ sở đóng quân, tìm thấy một cây súng giấu trong thân cây chuối, chúng lôi đồng chí Chín Hóa ra bắn tại chỗ. Tiếp tục lục soát khắp nơi, chúng bắt được anh Quản Trọng Hoàng đang núp trong ruộng lúa, còn bọc trong mình tấm bản đồ khởi nghĩa của Vĩnh Long...
Được tin anh Hoàng bị bắt, anh vừa là lãnh đạo, chỉ huy, vừa là người anh cả, lòng đau nhói, nhưng phải xốc tới. Tôi cùng Hồng Phước chèo xuồng vượt qua sông Bát Sắc quyết đến cơ sở tiệm may Ánh Hồng bắt liên lạc với đồng chí Lý Hồng Thanh, Liên tỉnh Ủy viên phụ trách Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ để nắm thêm tình hình các nơi khác.
Không gặp được anh Thanh, chúng tôi đành chèo xuồng băng qua sông lớn trở lại Vĩnh Long.
0 Nhận xét