Khí hậu đang biến đổi sao chúng ta lại không? - Daisy Kendrick

Daisy Kendrick - nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Ocean Generation - đã nghiên cứu và chỉ ra tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, đồng thời hướng dẫn bạn đọc cách để tạo nên sự thay đổi tích cực cho môi trường sống.



Một trong những vật được tìm thấy nhiều nhất ở đại dương

Đã hơn 50 năm kể từ khi túi nhựa được phát minh và nó hiện là một trong những vật được tìm thấy nhiều nhất ở đại dương, trôi dạt khắp các bãi biển trên thế giới.

Năm 1933, polyethylene: Loại nhựa thường được sử dụng nhất tình cờ được tạo ra tại một nhà máy hóa chất ở Northwich, nước Anh. Hợp chất này đã được tạo ra trong các lô hàng nhỏ trước đây và ban đầu được quân đội Anh sử dụng trong Thế chiến thứ hai.

Năm 1965, kỹ sư người Thụy Điển Sten Gustaf Thulin thiết kế túi mua hàng một mảnh bằng polyethylene cho Công ty Celloplast và nó nhanh chóng thay thế cho túi vải ở châu Âu.

Công ty này đã nhận bằng sáng chế của Mỹ cho ý tưởng mà sau này được gọi là “túi nhựa dạng áo phông” và thiết kế của nó được sử dụng cho mọi chiếc túi nhựa bạn được siêu thị đưa cho.

Năm 1979, túi nhựa chiếm lĩnh 80% thị trường túi xách ở châu Âu. Những chiếc túi nhựa được đưa sang bên kia đại dương và mau chóng phổ biến ở Mỹ. Các công ty nhựa bắt đầu tích cực quảng cáo rằng sản phẩm của họ tốt hơn giấy và những chiếc túi có thể tái sử dụng.

Năm 1982, chuỗi siêu thị lớn nhất ở Mỹ chuyển sang dùng túi nhựa. Tới cuối thập kỷ này, túi nhựa gần như đã thay thế hoàn toàn túi giấy trên thế giới.

Những năm 1990, túi nhựa được sản xuất với tốc độ 1.000 tỷ cái mỗi năm. Chúng xuất hiện ở trên chỏm băng vùng cực, ở nơi sâu nhất dưới đại dương và làm tắc nghẽn đường dẫn nước của các cộng đồng trên toàn cầu. Nhiều loài động vật hoang dã nhầm túi nhựa trôi nổi trong đại dương với thức ăn.

Năm 2002, Bangladesh là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện chính sách cấm túi nhựa sau khi phát hiện ra rằng chúng là nguyên nhân chủ yếu khiến hệ thống thoát nước bị tắc trong những đợt lũ thảm khốc.

Các quốc gia khác cũng bắt đầu học theo. Châu Phi tỏ thái độ rất quyết tâm với hơn 15 quốc gia, chẳng hạn như Kenya và Uganda cấm hoàn toàn túi nhựa hoặc đánh thuế rất nặng.

Năm 2015, số lượng túi nhựa dùng một lần đã đạt đỉnh với 7,6 tỷ chiếc. Ở Vương quốc Anh năm 2014, dưới sự ủng hộ của các nhóm hoạt động môi trường, chính phủ đã đánh phí 5 xu cho mỗi chiếc túi.

Nghiên cứu cho thấy đã có 1,2 tỷ chiếc túi nhựa dùng một lần được bán ra trong năm đó, giảm đáng kể so với tổng số các năm trước.

Con số này không bao gồm những chiếc túi nhựa “dùng suốt đời” được mua để thay thế cho túi sử dụng một lần, vì các siêu thị chỉ phải thống kê các túi nhựa dùng một lần (dù một số nơi kê khai cả hai).

Năm 2019, các cửa hàng đã bán gần 958 triệu “túi dùng suốt đời” trong vòng một năm. Mỗi chiếc “túi dùng suốt đời” này có thể nặng gấp gần 4 lần túi dùng một lần, dày hơn và khó phân hủy sinh học hơn.

Nếu chúng ta cộng tất cả số túi dùng một lần với túi dùng suốt đời, thì bằng chứng về doanh số sụt giảm đáng kể của những chiếc túi nhựa không còn hấp dẫn như người ta tưởng nữa.

Năm 2020, khoảng 1.000 tỷ túi nhựa dùng một lần được sử dùng hàng năm trên toàn cầu. Tức là khoảng 2 triệu túi mỗi phút, một con số vẫn còn quá cao.

Các loại túi xách hiện đại đã dễ tái chế hơn hoặc có thể phân hủy sinh học vì được làm từ các loại nhựa gốc thực vật, loại chất liệu có thể phân hủy hữu cơ và ngăn ngừa tích tụ hóa chất độc hại trong các bãi chôn lấp nhựa.

Nếu bạn không mang túi tái sử dụng khi đi mua hàng, hãy chọn túi giấy hoặc túi có thể phân hủy sinh học.

Những chiếc túi nhựa được vứt bỏ sau một lần sử dụng. Ảnh: Việt Linh.

Dù có cố tránh thế nào, thì nhựa vẫn là thành phần xuất hiện nhiều nhất trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Tranh cãi về nhựa diễn ra ở khắp nơi, nhưng có một điều cần được nói ra, đó là nhựa không phải là vấn đề quan trọng nhất trong phong trào môi trường, thực ra nó còn hiếm khi xuất hiện trong các cuộc thảo luận về khí hậu.

Các tổ chức đã phân loại ô nhiễm rác thải nhựa ra một nhánh riêng, nhưng nhựa lại là cốt lõi của biến đổi khí hậu vì nó là sản phẩm phụ của nhiên liệu hóa thạch, thứ tạo ra khí thải nhà kính đang hâm nóng hành tinh của chúng ta và tàn phá mọi thứ.

Kể từ những năm 1950, lượng nhựa được sản xuất ra đã vượt xa các mọi vật liệu khác. Phần lớn các món đồ nhựa thiết kế để làm bao bì đóng gói và sẽ bị vứt bỏ sau chỉ một lần sử dụng.

[...]

Loài người chúng ta cũng đã đẩy bản thân đến giới hạn, khi mà một quả chuối ở siêu thị cũng đi kèm với một khay xốp polystyrene bọc trong nhựa. Đúng thế, bọc hoa quả và rau trong bao bì nhựa dùng một lần là chuyện thừa thãi.

Trên thực tế, có rất nhiều mặt hàng bị bọc trong bao bì nhựa một cách không cần thiết và vì thế các con số thống kê về nhựa cao bất thường và khó mà hiểu được.

Đại dương và các đường dẫn nước của chúng ta đang nghẹt thở. Những mảng nhựa trôi nổi đang tăng lên trên khắp toàn cầu. Sinh vật biển và các loài chim biển đang chết với tốc độ chưa từng có.

Ở các thành phố, nhựa đang làm tắc nghẽn cống rãnh, gây lụt lội và ủ mầm bệnh. Các mảnh nhựa được tìm thấy trong đường hô hấp và dạ dày của hàng trăm loài. Chúng thường bị lũ chim, rùa và cá heo nhầm thành đồ ăn và cuối cùng lẫn vào trong hệ thống thực phẩm của chính chúng ta. Con người đang hủy hoại sức khỏe của chính mình trong đại dịch này.

0 Nhận xét