Chúng ta sống vì điều gì? - Đặng Huỳnh Mai Anh

23 câu chuyện trong sách kể về hành trình chữa lành và trưởng thành của các tác giả. Với lối viết dung dị, mỗi câu chuyện len lỏi vào tâm hồn người đọc, đánh thức nhiều suy ngẫm, để mỗi người đọc tìm được đáp án cho câu hỏi “Chúng ta sống vì điều gì?”.

Thói quen tai hại khi một mình quá lâu

Thói quen tai hại khi một mình quá lâu

Tôi đã sống trong sự cô đơn quá lâu để rồi cô độc trở thành thói quen của mình.

Cuối hè 2013, tôi nhận được tin nhắn vào lúc gần nửa đêm: “Bực mình quá! Chị muốn chơi guitar bass trong nhà, mà tường không cách âm, người nhà khó chịu. Chị thấy bức bối, nhớ một năm đi du học, được ở một mình, sao mà tự do tung tẩy!”

Thật là có lỗi với chị khi thú nhận rằng khi đọc tin nhắn đó, tôi khẽ mỉm cười và thấy vui vui trong bụng. Phần vì tôi hí hửng, thấy mình “may mắn” hơn khi đang được ở một mình. Phần vì cũng có rất nhiều lúc tôi giống chị… muốn ở một mình, cần ở một mình, khao khát được ở một mình.

Ở một mình chẳng phải thích lắm sao… Có những lúc tôi mệt mỏi khi phải nói chuyện với một ai đó. Đôi lúc, tôi cảm thấy ngột ngạt khi phải trở về nhà và phải trả lời những câu hỏi lặp đi lặp lại mỗi ngày của mẹ: “Ăn cơm chưa?”, “Hôm nay có gì vui không?”…

Tréo ngoe thay, bà mẹ của một đứa con hướng nội lại là một người rất đỗi hướng ngoại, mẹ tôi nói liên tục không ngừng nghỉ với đủ chủ đề từ giá thịt, giá cá cho đến chuyện học hành, đá sang chuyện nữ công gia chánh, rẽ qua chuyện đứa bạn này đứa bạn kia của tôi hôm nay cập nhật gì trên Facebook (thật tai hại khi bạn có một bà mẹ rành công nghệ), chủ đề không thể bỏ qua: “Mày không được mê thằng A, thằng B, thằng C nghe chưa…” (sau rất nhiều buổi cà phê chém gió thì tôi nhận ra 99% bạn bè của tôi đều có những bà mẹ “hướng ngoại”).

Thành ra, tôi dần dần hình thành một thói quen là luôn trả lời: “Dạ…”, trước tất cả câu hỏi của mẹ mà không thèm nghe gì, dù đôi khi đó không phải là dạng câu hỏi Dạ/Không, hoặc nếu trả lời “Dạ” thì sẽ gây ra một tai họa kinh khủng. Ví dụ: Mẹ: “Mày không thèm nghe tao nói gì phải không?” Tôi: (đang ngồi lướt Facebook, gật gù): “Dạ!”.

Có những sáng, tôi muốn ngủ nướng đến mức khi mở mắt ra thì chỉ còn 15 phút nữa là đến giờ vào lớp. Tôi sẽ nhảy khỏi giường, quăng quần áo vào sọt và lao ngay ra cửa, phóng xe đi mà không cần phải dọn giường, quét nhà, kéo màn, và ăn sáng với đầy đủ các chất dinh dưỡng cùng sữa, nước trái cây (quy trình này thường mất 1-1,5 tiếng dưới sự giám sát của mẹ tôi).

Chúng ta sống vì điều gì? - Đặng Huỳnh Mai Anh
Cân bằng giữa “một mình” và “nhiều mình” vẫn là bài toán khó. Ảnh: Pinterest.

Có những lúc, tôi muốn về nhà và quăng mình lên giường với nguyên bộ quần áo, balô, sách vở vứt tung tóe xung quanh. Ngủ luôn một giấc mà chẳng cần suy nghĩ. Phòng ốc thật bừa bộn. Cuối tuần chẳng cần giặt quần áo. Bật nhạc suốt cả đêm. Đi chơi đến hơn 12h khuya mà chẳng ai gọi điện nhắc nhở hay càu nhàu.

Có những lúc, tôi cần một không gian riêng, thật yên tĩnh để tôi có thể đối diện với chính mình, thả tâm trí bay bổng theo một suy nghĩ nào đó mà không sợ bất kỳ ai xen vào thế giới riêng tư của tôi và giơ chân đá tôi té phịch ra khỏi khoảng lặng riêng của mình.

Có những lúc, tôi muốn trở về nhà với gương mặt mệt mỏi, buồn bã mà không làm ai lo lắng. Tức là tôi không muốn phải luôn gồng mình trưng lên một vẻ mặt tươi tỉnh và hớn hở cho giống ngày thường.

Có những lúc, tôi muốn bật khóc nức nở như một đứa trẻ mà không bị ai nhìn thấy.

Một mình nghĩa là tôi cứ là chính mình, với những cung bậc cảm xúc vốn dĩ, không cần lo lắng che đậy hay tỏ ra mạnh mẽ.

Và rồi thì… Ước gì được nấy!

Trong tầm hơn một năm trở lại đây, tôi được sống một mình thật. Hôm nay, tôi cũng một mình. Tôi vừa từ Mỹ trở về Việt Nam được hai ngày thì mẹ lại lên đường sang xứ cờ hoa thăm chị gái tôi!

Tôi cũng như những ai quen tôi đủ sâu sắc đều biết rằng: tôi là một người cực kỳ độc lập về mặt tình cảm.

Tôi không sợ sự đơn độc. Nếu có hẹn hò xem phim, mà đứa bạn tôi không tới thì tôi sẽ bước vào rạp, tìm chỗ ngồi và xem phim một mình (thay vì bỏ về nhà vì cảm thấy đi xem phim một mình thật là kỳ dị). Tôi cảm thấy vẫn ổn khi phải đi ăn một mình, đi chơi một mình, ngồi trong quán cà phê một mình.

Theo một nghĩa nào đó, tôi tận hưởng sự đơn độc và độc lập đến mức không cần cảm giác phải có ai đó bên cạnh mình. Sống một mình, tự chăm sóc mình cũng là một phần trong sự độc lập ấy.

Tôi thấy mình ổn khi sống một mình, sống xa mẹ. Tôi thấy ổn khi tự kiểm soát và chi phối cuộc sống của mình. Thế rồi… cho đến một ngày, tôi có một chuyến đi xa và được xếp nằm cạnh một bà chị.

Không có gì đặc biệt từ lúc đặt lưng xuống giường cho đến gần sáng, chị nằm cạnh tôi dậy trước. Tôi ti hí mắt và thấy chị đang từ từ ngồi dậy. Sau đó, tôi thấy chị quay sang và… đắp mền cho tôi.

Thật ra, nói “đắp mền” thì hơi trìu mến quá. Đắp mền nghĩa là một cử chỉ rất âu yếm và chăm chút. Ở đây, gọi là “quăng” cho tôi cái mền thì đúng hơn (chắc chị ấy lười gấp mền). Chỉ thế thôi, mà tôi thấy cảm động.

Tôi sực nhớ ra là lâu lắm rồi mẹ không đắp mền cho tôi vào mỗi buổi sáng. Lâu lắm rồi, tôi không cùng nằm ngủ với một ai đó, nghe tiếng thở bên cạnh mình rồi từ từ chìm vào giấc ngủ. Tôi bàng hoàng giật mình, thì ra tôi đã cô đơn quá lâu mà chính tôi lại chẳng nhận ra điều đó.

Tôi đang thỏa hiệp với sự cô độc, nhưng trước đây đã có những lúc tôi khát khao được ở cùng ai đó. Năn nỉ một đứa bạn đi ăn trưa với mình, lướt lên lướt xuống danh bạ, nhấp vào bất kỳ cái tên nào mà tôi nghĩ là có thể dành thời gian đi cà phê với tôi.

Đã có những lúc, tôi loay hoay và trăn trở, kiếm tìm một người đủ kiên nhẫn để lắng nghe tôi, chỉ cần lắng nghe thôi (dù chỉ là giả vờ cũng được). Và, cả những lúc tôi thèm đến điên cuồng một cuộc nói chuyện thật sâu, một ai đó hỏi tôi: “Có chuyện gì muốn kể cho tôi nghe không?”, một ai đó chia tay nhau về nhà mà không quên dặn dò: “Chạy xe cẩn thận khi nào về đến nhà thì nhắn tin báo đã an toàn nhé!”. Một ai đó nhắc tôi không được bỏ bữa và đi ngủ đủ giấc.

Tôi đã sống trong sự cô đơn quá lâu để rồi cô độc trở thành thói quen của mình. Và, tai hại thay khi cô độc trở thành một nếp sống, bạn quen mặt với nó, thấy bớt khó chịu, rồi dần dà thoải mái với nó… bạn sẽ chẳng còn mưu cầu tình cảm và sự quan tâm nữa. Khi không có mưu cầu, bạn sẽ lười biếng để đi tìm kiếm một ai đó khiến bạn bớt cô đơn.

Có những cái phiền toái và có những cái dễ chịu. Cả “một mình” và “nhiều mình” đều có những cái dễ thương và dễ ghét riêng của nó.

“Một mình” quá lâu khiến cô độc thành thói quen tai hại của bạn. Lúc nào cũng “nhiều mình” lại khiến bạn nhạt nhẽo đi vì thiếu những khoảng lặng để nhìn lại, để suy ngẫm, để chiêm nghiệm nhiều hơn. Cân bằng giữa “một mình” và “nhiều mình” vẫn là bài toán khó, đôi khi nằm ngoài khả năng giải quyết vì bị chi phối bởi quá nhiều yếu tố bên ngoài.

Cũng có cả những nghịch lý là “Giữa một biển người vẫn thấy cô độc”, và “Ở nhà một mình vẫn thấy được yêu thương” (Có lẽ nhờ sức mạnh của Internet và Facebook)!

Nhưng nếu có thể được lựa chọn, tôi chẳng bao giờ muốn “cô độc” là một thói quen của mình!

0 Nhận xét